1001 cuộc đời trong một cây bút của nhà văn mang tên Colette
Manage episode 353823577 series 130290
« Viết văn để sống, để thay đổi dòng đời ». Ngoài văn chương, Colette còn là người của báo chí, của sân khấu kịch nghệ, là một ngôi sao trong làng giải trí của Paris đầu thế kỷ XX, là một nhà phê bình nghệ thuật, là chủ một hiệu mỹ phẩm, là một phụ nữ ba đời chồng với hàng loạt tình nhân thuộc cả hai giới tính. 150 năm ngày sinh Colette, tác giả tập truyện « Claudine » vẫn là người đi trước thời đại.
Là phận gái, lại còn nghèo, nhà quê lên tỉnh, trong vài năm Colette chinh phục cả Paris với ngòi bút, tài năng và nghị lực. Tháng 8/1954 khi bà qua đời, Colette là phụ nữ đầu tiên được nước Pháp tổ chức quốc tang.
Điều gì đã viết nên huyền thoại Colette ? Phải chăng do Colette là tiểu thuyết gia dám đề cập đến thực tế của xã hội qua đoạn trường của những người phụ nữ phải lén lút phá thai, do nhà báo Colette đã phác họa ra biết bao nhiêu chân dung những người đàn bà can đảm đối mặt với chiến tranh trong cuộc Thế Chiến Thứ Nhất ? Do ngoài thế giới của văn chương và báo chí, Colette còn là người của điện ảnh, là một vũ công, là một nữ diễn viên sân khấu kịch nghệ từng xuất hiện gần như khỏa thân trước ánh sáng đèn màu ? Hay đơn giản Colette là một người đàn bà tự do và thiết tha yêu cuộc sống để rồi bà đã đưa tất cả những đam mê ấy, những mảnh đời của chính mình, vào tiểu thuyết văn chương ?
Ngày 28/01/1873 Sidonie Gabrielle Colette chào đời trong ngôi nhà của gia đình ở Saint -Sauveur en Puisaye, tỉnh Yonne vùng Bourgogne, miền đông nước Pháp. Năm 20 tuổi, Sidonie Gabrielle không một đồng xu dính túi, theo chồng, Henry Gauthier-Villar, thường được biết đến dưới cái tên thân mật là Willy, lên Paris sinh sống.
Là một nhà phê bình đã thành danh trong giới viết văn cũng như trong làng giải trí ca nhạc, Henry khuyến khích người vợ trẻ viết văn, viết về thế giới chung quanh bà thời còn con gái. Năm 1900 cuốn sách đầu tiên của tập truyện Claudine ra mắt độc giả, nhưng đó là những tác phẩm được biết đến như của một nhà văn mang tên Willy.
Hiện tượng Claudine
Claudine trở thành một « hiện tượng » cả về văn học lẫn xã hội. Đã có biết bao nhiêu cô gái mới dậy thì thời bấy giờ muốn ăn mặc như Claudine, muốn để tóc kiểu Claudine ? Sách bán đắt như tôm tươi. Hai vợ chồng Colette thu về bạc triệu.
Khi chia tay với Willy năm 1906, Colette hai bàn tay trắng. Bà khám phá ra rằng, người chồng thứ nhất của mình đã chuyển nhượng toàn bộ bản quyền cho nhà xuất bản… Colette lao vào cuộc chiến để đòi « trả lại cho Cesar những gì thuộc về Cesar ».
Colette là một nhà văn, là một tác giả và bà không cần phải ẩn mình dưới bất kỳ một cái bóng nào. Từ đó bà sáng tác dưới tên riêng của mình. Một nhà văn lớn mang tên Colette ra đời.
Nhưng Colette đâu chỉ giam mình trong thế giới văn học. Bà đã khám phá nhiều bộ mặt khác nhau của làng giải trí : Colette học múa, bà say mê với nghệ thuật sân khấu kịch câm, với thể loại ballet … Đam mê đó cho phép cô gái « nhà quê lên tỉnh » này bắc được biết bao nhịp cầu với những tên tuổi hàng đầu trong số các văn nghệ sĩ thời đó như là các nhà văn Anatole France, Marcel Proust... hay những nhạc sĩ sáng giá nhất ở Paris thời bấy giờ như Gabriel Fauré, Claude Debussy, Maurice Ravel …. Và đương nhiên là phải kể đến bà hầu tước Belbeuf, nhũ danh Mathidle de Morny. …
Năm 1906 khi chia tay với chồng là Willy, Colette đã dọn về ở với Mathidle de Morny, con gái một gia đình quyền quý, thích giả dạng nam nhi. Hai người có cùng một đam mê nghệ thuật. Họ cùng nhau dựng và diễn vở kịch câm Rêve d’Egypte - Giấc mơ Ai Cập. Trong sáng tác này, trên sân khấu hai người đàn bà đã trao cho nhau những nụ hôn nồng thắm nhất, làm chấn động cả xứ Paris kinh kỳ. Nữ diễn viên Sabine Haudepin kể lại :
Sabine Haudepin : « Bà diễn chung với người tình khi đó là cô Missy. Trên sân khấu, Colette đóng vai một người đàn bà quyến rũ Missy, còn Missy thì cải trang thành đàn ông. Phải nói là cả giới thượng lưu ở Paris khi đó đến xem họ diễn và rồi cùng nhau đánh hội đồng cặp bạn diễn này. Đến nỗi cảnh sát trưởng của Paris đã phải can thiệp. Điều gây sốc ở đây là Missy, tức là Mathide de Morny, con gái của quận công Morny, một gia đình danh giá và danh tiếng thời đó, dám cải trang thành nam giới. Đó là điều xã hội Pháp đầu thế kỷ 20 không thể chấp nhận. Hình ảnh của Missy trên sân khấu trong bộ âu phục nam là một xì -can- đan khủng khiếp lắm. »
Khán giả la ó, làm loạn trong rạp hát. Tai tiếng lan rộng đến nỗi vở Rêve d’Egypte bị cấm diễn sau hai buổi ra mắt khán giả Paris. Colette và Missy không còn có thể công khai xuất hiện trước công chúng.
Một ngòi bút sắc bén trong ngành báo chí
Văn đàn Pháp, sân khấu Paris chưa là những sân chơi đủ rộng cho Colette. Từ 1903 bà bắt đầu cộng tác với nhật báo Gil Blas. Colette phụ trách mục điểm tin văn hóa nghệ thuật. 1909 bà cộng tác đều đặn với nguyệt san Akademos. Đây là tờ báo đầu tiên tại Pháp đề cập đến chủ đề đồng tính dưới góc độ tích cực. Cùng năm bà gặp gỡ Henry de Jouvenel, tổng biên tập báo Le Matin và đã cùng với ban biên tập gồm 150 nhà báo, hơn 500 công nhân và kỹ thuật viên, viết nên tên tuổi cho một trong những tờ báo uy tín nhất thời bấy giờ, mỗi ngày với trên dưới 1 triệu độc giả.
Colette nhanh chóng tìm được một chỗ đứng trong tòa soạn. Bà viết bài, được điều sang Ý làm phóng sự, được cử đi theo dõi và tường thuật về lễ nhậm chức của tổng thống Raymond Poincaré ...
Nhà báo Colette đã viết nhiều về những mảnh đời bị chiến tranh tàn phá. Năm 1916 chẳng hạn, được điều sang Ý làm phóng sự, Colette viết về những người mẹ mỏi mòn mong con trở về như sau : « có những bà mẹ đợi chờ, những người mẹ mong rằng chiến tranh buông tha con mình, trả chúng về với gia đình, dù hình hài không nguyên vẹn (…). Nhưng bao nhiêu người trong số ấy may mắn tìm lại được con mình ?»
Đệ Nhất Thế Chiến kết thúc năm 1918. Gần hai thập niên sau, Colette trong cương vị một phóng viên tháp tùng chuyến đi đầu tiên của du thuyền Le Normandie nối liền thành phố cảng Le Have với New York …
Trong suốt thời gian cộng tác với Le Matin, Colette đã khẳng định vị trí của bà. Năm 1919 bà điều hành toàn bộ các mục văn hóa của tờ báo uy tín này. Colette đã tuyển một cô thư ký về làm việc cùng với bà và đã đem lòng yêu thương người cộng tác viên đó, dù đã là vợ của tổng biên tập Henry de Jouvenel từ 1912.
Colette chia tay với tờ báo năm 1924 khi bà ly dị với chồng sau tai tiếng gian díu với con trai riêng của chồng, thua bà tròn 30 tuổi. Trong sự nghiệp báo chí, Colette đã cộng tác với rất nhiều tạp chí, hay nhật báo. Trong đó có những tên tuổi như tờ Le Figaro, nguyệt san Marie Claire …
Bà phụ trách đủ mọi mục : từ điểm sách đến phê bình văn học, từ mục đưa tin văn hóa nghệ thuật đến bình luận về các cuộc biểu diễn thời trang … cũng chính trong công việc này Colette có dịp tiếp cận với thế giới của các nhà làm mỹ phẩm và bà đã lao vào việc kinh doanh phấn son, nước hoa … cho phái đẹp.
Viết để sống, để khẳng định chính mình
Trong mọi hoàn cảnh, Colette vẫn có thời gian để sáng tác. Trong hơn một nửa thể kỷ cầm bút, bà để lại 24 cuốn tiểu thuyết, hàng chục các công trình biên khảo … Frédéric Maget, một nhà nghiên cứu về văn phong về dòng sáng tác của Colette và ông cũng là chủ tịch Hội Những Người Bạn của Colette giải thích : đối với tác giả của Gigi, viết là lẽ sống :
Frédéric Maget : « Viết đối với Colette là để làm đảo lộn một trật tự nào đó, là để hóa thân, để thay đổi … dòng đời. Sáng tác đã cho phép bà trở thành Colette, cho phép làm nên tên tuổi của bà, cho phép bà công khai khẳng định bản sắc muôn hình vạn trạng của chinh mình. Nhờ sáng tác và ngòi bút, Colette đã tự viết nên huyền thoại của chinh mình ».
« Sống một cách tự do », « tự do yêu đương » « tự do và công khai khẳng định giới tính », tự giành cho mình quyền được sống, vậy Colette có phải là một nhà đấu tranh cho nữ quyền hay không ? Simone de Beauvoir xưa kia nhìn nhận Colette là « nhà văn nữ lớn duy nhất ». Ở đầu thế kỷ XXI, Emmanuelle Lambert một cây bút đã viết rất nhiều và rất khâm phục Colette, lại trả lời là không :
Emmanuelle Lambert : « Colette không phải là người có bản chất của một nhà tranh đấu. Theo chỗ tôi biết, bà không có ý chí chính trị gì nhiều. Bản thân Colette sống trong một môi trường bảo thủ. Bà bước ra ngoài vòng lễ giáo nhưng không vì thế mà có thể nói Colette là một phụ nữ có đầu óc cấp tiến. Bà bước ra ngoài khuôn phép của xã hội thời đó vì muốn được sống một cách tự do. Tự do yêu đương, cho dù đối tượng có thể là người cùng giới. Bà cũng đã không thu mình trong cái vị trí mà xã hội muốn áp đặt cho bà. Colette sinh ra trong một gia đình nghèo. Xã hội Pháp khi đó không có chỗ đứng cho một phụ nữ, mà lại còn không có tài sản. Thế rồi bà không muốn sống trong bóng tối, không muốn phải che đậy tình yêu, giới tính, hay phải giấu giếm những ham muốn về xác thịt … Colette đã không ngừng đấu tranh để giành lại bản quyền tác giả bị người chồng cũ là Willy tước đoạt. Bà đã đấu tranh để có được một chỗ đứng trong xã hội và trước sân khấu đèn màu. Tóm lại Colette, theo tôi không là một nhà đấu tranh cho nữ quyền vì lý tưởng chính trị, nhưng cuộc sống của bà lại mang đậm nét của rất nhiều cuộc đấu tranh đòi bình đẳng, bình quyền cho phụ nữ ».
Dù vậy theo quan điểm của chủ tịch Hội Những Người Bạn của Colette, thì bà là một người mở đường …
Frédéric Maget : « Như vừa nói Colette có thể không là một nhà đấu tranh vì nữ quyền nhìn từ góc độ chính trị, nhưng bà là người đưa vào văn học những chủ đề như là phá thai, những ham muốn của nữ giới … Phải nói rằng Colette đã quan sát rất kỹ trước khi bà đặt bút sáng tác và với bà văn chương và nghệ thuật viết báo gần như không có nhiều khác biệt. Bằng chứng là Colette đã khai thác một số đề tài khi bà làm công tác của một nhà báo, của một phóng viên để làm chất liệu sáng tác. Bà đã từng khẳng định rằng, văn chương không chỉ là trí tưởng tượng mà đó phải là những gì xác thực nhất của cuộc sống thường ngày. »
Cuộc đời của nữ văn sĩ Colette là một tác phẩm nghệ thuật muôn màu. Sidonie Gabrielle đi trước thời đại cả một thế kỷ. Không được vinh dự trở thành phụ nữ đầu tiên được bầu vào Viện Hàn Lâm Pháp, nhưng Colette được Viện Hàn Lâm Hoàng Gia Bỉ về Ngôn Ngữ và Văn Học Pháp vinh danh. Bà từng đoạt giải thưởng Goncourt năm 1945 và 5 năm sau đó được đề cử giữ chức chủ tịch Ban Giám Khảo Goncourt, giải thưởng cao quý nhất của văn đàn Pháp.
Colette được cả thế giới biết đến qua sách vở và nhờ điện ảnh. Tới nay hơn một chục tác phẩm của bà đã được chuyển thể lên màn ảnh lớn. Bộ phim đầu tiên được thực hiện năm 1917 (Claudine đi học) và gần đây nhất, năm 2009 đạo diễn Stephen Frears đã dựng lại phim từ tiểu tuyết Chéri.
Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh Colette, ít nhất 7 cuốn sách mới về cây bút nữ này của Pháp sẽ ra mắt độc giả trong năm 2023. Nhưng vào lúc mà Thụy Sĩ tổ chức một cuộc triển lãm lớn về tác giả tuyển tập Claudine, rồi từ Montréal đến Luân Đôn, Hồng Kông, hay Beyrouth tổ chức những cuộc hội thảo và nhiều sinh hoạt văn hóa khác để vinh danh Colette, thì Paris lại rất kín tiếng.
Thư Viện Quốc Gia BNF thông báo phải đợi đến năm 2025 mới tổ chức một cuộc triển làm về sự nghiệp đa dạng và đa chiều của người con gái « nhà quê lên tỉnh » này. Phải chăng vì phá vỡ những lằn ranh về giai cấp, về giới tính, xóa bỏ những đường biên giới giữa những thể loại nghệ thuật khác nhau mà cho đến tận bây giờ Colette vẫn là một đề tài gây nhiều tranh luận - đến nỗi từ Thư Viện Quốc Gia đến Viện Hàn Lâm Pháp đều tránh nhắc đến tên bà ?
401 tập