Pháp : Khi tem bưu chính trở thành “sứ giả” truyền tải thông điệp chính trị
Manage episode 358857678 series 130290
Tại Pháp, 8 biểu tượng đại diện cho nền đệ ngũ Cộng Hoà, đó là : quốc kỳ 3 màu xanh trắng đỏ, quốc ca La Marseillaise, tiêu ngữ (Tự do - Bình đẳng - Bác ái), ngày quốc khánh 14/7, bó gậy gỗ với chiếc rìu, Gà trống gaulois, Đại ấn, và Marianne.
Nếu như các biểu tượng khác không thay đổi từ nhiều năm qua, thì hình ảnh Marianne, xuất hiện trên mọi tài liệu văn bản chính thức của chính phủ Pháp, cho đến tem bưu điện, đã trải qua nhiều thay đổi. Chân dung của Marianne là cách mà mỗi tân tổng thống “thể hiện giá trị của nền Cộng Hoà trong nhiệm kỳ của mình”.
Mariane trở thành hiện thân của Cộng Hoà Pháp kể từ sau cuộc cách mạng Tư Sản Dân Quyền Pháp 1789 qua tác phẩm “Nữ thần tự do dẫn dắt nhân dân” của hoạ sĩ Eugène Delacroix. Hình ảnh người phụ nữ quần áo xộc xệ, đội mũ Phrygien cầm cờ Pháp tiến lên phía trước, dẫm đạp lên đống đổ nát, khói lửa. Bảo tàng Bưu Điện (Musée de la Poste) tại Paris tổ chức cuộc triển lãm với tên gọi “Những diện mạo gương mặt của Cộng Hoà Pháp”, từ ngày 23/05/2022 đến 01/04/2024, giới thiệu những thay đổi của nàng Marianne trong tem đỏ, kể từ lần đầu tiên phát hành cho đến nay.
Sự kiện này nhằm giới thiệu với công chúng Pháp những câu chuyện đằng sau những bản tem được phát hành mang chân dung nàng Marianne và cả những bản thảo chưa từng được công bố, nhất là trong bối cảnh Bưu điện Pháp thông báo loại bỏ tem đỏ để thay bằng tem điện tử từ tháng 01/2023. Mỗi lần xuất hiện trên tem là một lần nàng Mariane thay đổi diện mạo, mang những ý nghĩa tượng trưng khác nhau cho chế độ chính trị của Cộng Hoà Pháp. Đôi khi, tem bưu chính cũng bị chính trị hóa.
Đồng giám tuyển Monika Nowaka của triển lãm, trả lời trang Artdutimbre, cho biết : “Nếu như Marianne được ví là biểu tượng của nền Cộng Hoà và sự Tự do được sinh ra vào năm 1792, xuất hiện trên con triện cũng như những đồng tiền xu thời điểm đó, thì đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nàng Marianne không còn giữ ưu thế nữa…Mãi cho đến năm 1944, tên của nàng Marianne mới được nhắc đến trở lại, đồng thời đã giành lại vị trí của mình. Đó là lý do tại sao chúng tôi lựa chọn giới thiệu lại lộ trình này, câu chuyện của Marianne, những đổi thay cũng như những ý đồ, hay ẩn ý được thể hiện trong mỗi lần nàng xuất hiện trên con tem bưu chính.”
Lộ trình thăm quan triển lãm làm nổi bật hàng trăm tác phẩm, được trưng bày theo trình tự thời gian. Đầu tiên là giai đoạn 1943-1944, khi chiến tranh vẫn bao trùm nước Pháp. Theo sáng kiến của tướng Charles de Gaulle, tem bưu chính in hình Marianne, do Edmond Dulac thiết kế đã được tin ấn và phát hành tại những vùng hải ngoại đang dần được giải phóng, để chuẩn bị cho 1 nước Pháp sớm được tự do. “Marianne de Dulac trở thành mẹ của tất cả Marianne”, như chú thích của bảo tàng Bưu Điện. Hình ảnh “Marianne de Dulac” trở thành biểu tượng mới của nền cộng hòa. Các bì thư dán tem với hình ảnh nàng Marianne được gửi đi khắp lãnh thổ Pháp thời bấy giờ, như tại đảo Corse, khu vực này được giải phóng vào tháng 10/1943, trước đó không hề có tem bưu chính.
Đến tháng 06/1944, chính phủ lâm thời của cộng Hoà Pháp do tướng De Gaule lãnh đạo đã yêu cầu sản xuất các loại tem mới “cho một nước Pháp giải phóng”. Đó phải là một nước Pháp nông nghiệp, một nước Pháp vừa bước ra khỏi cuộc chiến và bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Một cuộc thi vẽ nàng Marianne đã được tổ chức để chọn ra hình ảnh Marianne thể hiện tốt nhất hình ảnh nước Pháp lúc bấy giờ. Tác phẩm do hoạ sĩ Pierre Gandon, thể hiện một nàng Marianne “giải phóng”, đã được lựa chọn.
Biểu tượng quyền lực ?
Tại sao nàng Marianne lại trở thành biểu tượng đại diện cho nước Pháp, cho nền Cộng Hòa ? Nhà sử học Maurice Aguilon, tác giả của của cuốn “Les métamorphoses de Marianne”, giải thích trên France Inter (năm 2001) như sau :
“Bởi vì khi lật đổ chế độ quân chủ, giới cầm quyền thấy chỉ tuyên bố thành lập Nhà nước là chưa đủ mà còn muốn cố gắng thể hiện quyền lực đó. Ở dưới chế độ quân chủ, đó là điều bình thường và tự nhiên khi thấy đại diện chính của quyền lực là chân dung của nhà vua và một sốt biểu tượng khác. Tuy nhiên, khi ta xoá bỏ chế độ quân chủ và chân dung của nhà vua, để không phải đối mặt với khoảng tường trống, đại diện cho quyền lực, có vẻ như không có giải pháp nào khác đó là tìm lại trong kho tàng “truyền thống” những biểu tượng để có thể đại diện cho những thứ trừu tượng. Bởi vì diện mạo của chính phủ Cộng Hòa trừu tượng. Xin nhắc lại về định luật ngày 25/09/1880. Hoa Lys được thay thế bởi biểu tượng của sự tự do. Việc lựa chọn một hình tượng đại diện cho tự do của Cộng Hòa Pháp, lấy hình ảnh Marianne đội mũ Phrysien, theo một cách nào đó, giống như là mượn hình tượng tự do phổ quát để biến lấy thành của mình.”
Chiếc tem bưu chính đầu tiên được phát hành ở Pháp năm 1840, mang hình ảnh của nàng Cerès. Sau hàng thế kỷ, tem hiện hữu trong cuộc sống thường nhật của hàng triệu người dân Pháp. Mỗi một chiếc tem được phát hành với những hình ảnh của các nhân vật mang tính biểu tượng, những công trình văn hoá lịch sử, hay những tác phẩm nghệ thuật. Đó là những hình ảnh phản ánh những sự kiện đánh dấu Lịch sử. Hình ảnh đó vì vậy thay đổi theo thời gian, đó không chỉ đơn giản là một mảnh giấy dán trên bì thư, mà chúng còn là cách thể hiện diễn đạt, sáng tạo, kể lại những câu chuyện lịch sử.
Đọc thêm : Nàng Marianne, biểu tượng của dân tộc Pháp
Hình ảnh nàng Marianne xuất hiện trên tem bưu chính không chỉ mang ý nghĩa về mặt chính trị mà còn cả về nghệ thuật. “Tem bưu chính cũng không chỉ là công cụ để thu phí vận chuyển, mà còn là những sáng tạo nghệ thuật độc đáo”. Khi nền đệ ngũ Cộng Hoà được thành lập, “vẽ lại chân dung Marianne” trở thành truyền thống cho mỗi nhiệm kỳ tổng thống. Các cuộc thi được tổ chức để chọn ra một Marianne phù hợp nhất. Không chỉ những con tem được thông qua, triển lãm của bảo tàng Bưu Điện cũng trưng bày những bản nháp, hay các bản không được duyệt trong các cuộc thi cũng con tem nguyên bản cuối cùng được tổng thống Pháp chấp thuận.
Nhắc đến nàng Marianne thì không thể không nhắc đến tác phẩm “Tự do dẫn lối dân tộc” của Eugne Delacroix. Đây cũng là hình ảnh được hoạ sĩ Pierre Gandon lấy cảm hứng sáng tác tem trong một cuộc thi vào năm 1977. Nàng Marianne ‘cách mạng’, hay còn được gọi là “Tự do của Gandon” đã được chọn làm biểu tượng đánh dấu cho nhiệm kỳ tổng thống cánh tả đầu tiên trong nền đệ ngũ Cộng Hoà của Pháp, khi François Mitterand đắc cử vào năm 1981. Tổng thống Mitterand muốn dùng một biểu tượng mạnh mẽ đánh dấu cho sự khởi đầu của nhiệm kỳ của mình.
Lập trường chính trị trong tem
Trên thực tế, những tấm tem nhỏ bé, được hàng triệu người Pháp sử dụng, đôi khi lại được xem như là những “sứ giả” truyền tải những thông điệp về lập trường chính trị của tổng thống Cộng Hoà Pháp. Năm 1977, thiết kế Marianne mà tổng thống Giscard d'Estaing chọn có khuôn mặt quay sang bên phải. Năm năm sau đó, tổng thống François Mitterrand, vị lãnh đạo cánh tả đầu tiên của nền đệ ngũ Cộng Hoà, đã chọn nàng Marianne quay sang bên trái, nói đến sự lãnh đạo của cánh tả.
Lựa chọn Marianne đôi khi không tránh khỏi những tranh cãi. Theo đài phát thanh Pháp France Inter, năm 2013, tổng thống François Holland muốn thể hiện một nhiệm kỳ đánh dấu tầm quan trọng của giới trẻ. Ông đã yêu cầu sinh viên đại học và học sinh trung học bỏ phiếu các bức vẽ khác nhau để chọn ra diện mạo mới cho Marianne. Tác phẩm của Olivier Ciappa đã được bầu chọn. Tuy nhiên nghệ sỹ cho biết sáng tác của mình được lấy cảm hứng từ người đồng sáng lập phong trào nữ quyền Femen, Inna Shevchenko. Lựa chọn này đã khiến đảng Dân Chủ Công Giáo không hài lòng và kêu gọi tẩy chay tem
Còn đối với tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron, tại nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã chọn mẫu thiết kế của họa sĩ đường phố, Yseult YZ Digan, làm biểu tượng của nền Cộng Hòa. Đó là một nàng Marianne “dấn thân” (engagée) với ánh mắt có chút hờn dỗi mà kiên quyết, để tóc xoăn dài và đội mũ Phrygien, thể hiện tính hiện đại và khát khao bứt phá.
401 tập