Phân tích khổ 3 Việt Bắc
Manage episode 418705619 series 3508557
Sau đây, Onthidgnl sẽ chia sẻ nội dung Phân tích khổ 3 trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu .
Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?
Đề bài: Cảm nhận của anh chị về đoạn thơ. Từ đó, nhận xét tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.
---
Dàn ý phân tích Việt Bắc làm bài và nội dung cần nắm
1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn thơ
Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng với phong cách trữ tình chính trị, đậm đà tính dân tộc.
Việt Bắc được viết vào tháng 10/1954 nhân một sự kiện có tính lịch sử, các cơ quan trung ương Đảng rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ là một bản hùng ca kháng chiến vừa là khúc tình ca cách mạng.
Đoạn thơ nằm ở khúc mở đầu, diễn tả nỗi lòng người ở lại – đồng bào các dân tộc Việt Bắc, là lời nhắc nhớ kỉ niệm những tháng ngày tiền khởi nghĩa, khẳng định tấm lòng gắn bó sâu nặng thủy chung, ân tình cách mạng, ân nghĩa cội nguồn.
Nội dung trữ tình ấy được biểu hiện bằng một hình thức nghệ thuật giàu tính dân tộc từ thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu....
2. Cảm nhận về đoạn thơ:
a. Những câu 6 chữ: Lời ướm hỏi của người Việt Bắc với người cán bộ về xuôi về nỗi nhớ, sự thủy chung: Mình đi – mình về có nhớ…
Thể hiện tình cảm gắn bó không nỡ rời xa, chân bước đi mà lòng ngược về chốn cũ.
Lời nhắc nhở sống thủy chung, đừng đánh mất mình, đừng lãng quên quá khứ
b. Những câu 8 chữ: Lời nhắc nhớ của người Việt Bắc về những kỉ niệm về thiên nhiên, con người, cuộc sống Việt Bắc.
Nhắc nhớ về thiên nhiên Việt Bắc hùng vĩ, hoang sơ, khắc nghiệt.
Nhắc nhớ về hình ảnh con người, cuộc sống Việt Bắc.
Nhắc nhớ về quê hương cách mạng.
* Nhận xét chung về nghệ thuật: Thể thơ lục bát với kết cấu đối đáp mình - ta, phép đối (tương đồng tăng cấp, tương phản), từ láy gợi hình, gợi cảm, phép điệp từ, điệp cấu trúc, các thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng, ước lệ...
3. Đánh giá
Nội dung: Đoạn thơ tái hiện mười lăm năm gắn bó gian khổ, đồng thời thể hiện được tình cảm thủy chung, son sắt giữa người ra đi và người ở lại.
Nghệ thuật: Lối diễn đạt tài hoa, linh hoạt, hình thức phù hợp đã thể hiện trọn vẹn nội dung mà tác giả muốn truyền tải, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Tố Hữu.
4. Nhận xét tính dân tộc trong thơ Tố Hữu
Nội dung: Tình nghĩa cán bộ với đồng bào Việt Bắc, với cách mạng, kháng chiến là ân tình cách mạng, ân nghĩa cội nguồn. Tình cảm ấy hòa nhập, tiếp nối vào mạch nguồn tình cảm yêu nước, đạo lí ân tình thủy chung, son sắt vốn thành truyền thống dân tộc.
Nghệ thuật:
+ Kết cấu theo lối đối đáp quen thuộc của ca dao, dân ca.
+ Thể thơ lục bát nhuần nhuyễn được vận dụng tài tình.
+ Giọng điệu giao duyên, âm điệu ngọt ngào
+ Hình ảnh ước lệ quen thuộc của ca dao,dân ca: mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù..
+ Ngôn từ: Đại từ mình – ta quen thuộc trong ca dao.
+ Các thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của ca dao, dân ca (ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng...).
Nguồn:
https://onthidgnl.com/phan-tich-kho-3-bai-tho-viet-bac-cua-to-huu/
123 tập